VÁN BÓC VÀ TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI

1. Định nghĩa: 

   Ván bóc hay còn được gọi là ván lạng, độn,…là những tấm ván mỏng được bóc hoặc lạng ra từ gỗ tròn với kích thước phổ biến 640×1270 mm, chiều dày từ 1 đến 10 mm tùy theo mục đích sử dụng. Gỗ dùng để bóc ván là gỗ tròn được làm từ các loại cây công nghiệp sinh trưởng nhanh, số lượng nhiều, giá rẻ như Keo, Bạch Đàn, Thông, Cao Su, Mỡ, Bồ Đề….

   Ván bóc là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại ván dán, ván ép phủ phim, phụ liệu của quá trình sản xuất ván bóc cũng là nguyên liệu đầu vào để chế biến Viên nén gỗ, ván MDF, Ván dăm.  

2. Quy trình sản xuất:

Quy trình sản xuất ván bóc ở Việt Nam thường trải qua các bước cơ bản như sau:
–  Khai thác gỗ tròn: Gỗ rừng trồng, phổ biến nhất là cây Keo Lá Tràm, sau khi trồng khoảng 4-6 năm, đường kính từ 10-30 cm là có thể khai thác;

–  Bóc ván: Gỗ được cắt khúc thành các đoạn dài 1.27 – 1.30 m sau đó đưa vào dây chuyền bóc ván: Băng tải nạp gỗ; máy tu vỏ; máy bóc ván, máy xếp ván tự động,…Ván sau khi bóc có kích thước 640×1270 mm, chiều dày phổ biến 1.5; 1.7; 2.0 mm và độ ẩm từ 40-50%. Trong quá trình bóc ván, ván được phân loại lần 1 ra cá cấp A, B, C bằng mắt thường;
–  Phơi, sấy, đóng gói: Ván được làm khô bằng phương pháp phơi nắng hoặc sấy đến khi đạt độ ẩm 15-20% là độ ẩm đầu vào thích hợp cho công đoạn tiếp theo xếp và ép ván. Ván bóc sau khi phơi sấy được phân loại lần 2 nhằm loại bỏ các sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình phơi, sấy tiếp theo được xếp thành bó, 20 tờ/bó buộc bằng dây ni lông.

3. Phân loại ván bóc:

    Ván bóc theo phương pháp bóc tròn, đồng tâm Rotary cut Veneer được phân loại theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10316:2015 do Trường Đại học Lâm nghiệp biên soạn, dựa theo tiêu chuẩn LY/T 1599-2002 – Rotary cut veneer, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
   Tuy nhiên trong thực tế ở Việt Nam, các tiêu chí trong Tiêu chuẩn nêu trên được tham chiếu và đơn giản hóa, lược bớt để thuận tiện cho quá trình sản xuất, phân loại, giao dịch ván bóc,…cũng như phù hợp với mặt bằng trình độ, nhận thức của các xưởng sản xuất ván bóc. Ván bóc trên thị trường được phân loại theo thông lệ như sau:
   Ván bóc loại A+: Là ván đủ kích thước, chiều dày đủ và đều, bề mặt không khiếm khuyết, phẳng nhẵn, chất gỗ tươi sáng; Loại ván bóc này thường được sử dụng làm lớp mặt của tấm ván ép.
Ván bóc loại A: Là ván đủ kích thước, chiều dày đủ và đều, bề mặt không thiếu hụt, lượng mắt gỗ ít, kích thước nhỏ;
   Ván bóc loại B: Chiều dày đủ, bề mặt có khiếm khuyết nhưng diện tích khiếm khuyết/tổng diện tích tờ ván <10%; hoặc thiếu hụt kích thước, hoặc bị rách dọc thớ; hoặc bề mặt có nhiều vết lồi lõm như vết mèo cào;
   Ván bóc loại C: Là loại ván thu được khi bắt đầu bóc hoặc phần bóc tận dụng lõi gỗ, ván loại C thường bị rách thiếu 10-30% diện tích bề mặt, thớ gỗ rời rạc,…

Ván bóc loại A+

Ván bóc loại A

Ván bóc loại B

Ván bóc loại C

4. Ván bóc và giá thành Ván ép:

   Ván bóc là nguyên liệu chính làm nên Ván dán, chi phí nguyên liệu ván bóc chiếm từ 50-70% tổng giá thành sản xuất tùy theo phẩm cấp chất lượng.

Nhìn chung các sản phẩm ván dán, ván ép phủ phim có chất lượng tốt đều phải dùng nguyên liêu ván bóc loại A để đảm bảo hạn chế lỗ rỗng trong ruột ván, tăng cường độ dán dính của keo,…

  Ván ép phủ phim sản xuất bởi Công ty Nhật Minh C&I chủ yếu sử dụng ván bóc loại A+ làm lớp mặt và ván bóc loại A làm các lớp lõi nên luôn đảm bảo độ đặc, chắc, độ bền, độ đồng đều chiều dày,…của sản phẩm.