Gỗ vật liệu thân thiện với môi trường

Cách đây hơn 10 năm nhiều người trong chúng ta khó hình dung việc sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng là tích cực bảo vệ môi trường, là sử dụng vật liệu “xanh” và gỗ là loại vật liệu có “tính bền vững” hơn nhiều loại vật liệu khác… Nhưng điều đó lại đang là hiện thực, với loại gỗ được cho là “hiện đại”

TỪ PHÁ HOẠI THIÊN NHIÊN ĐẾN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Từ phá rừng lấy gỗ

Trước đây ở nước ta, gỗ được khai thác hoàn toàn từ rừng tự nhiên. Nguồn gỗ tự nhiên này ngày càng cạn kiệt, rừng mất vài trăm năm, thậm chí ngàn năm, để tạo thành đã mất đi trong vòng vài mươi năm.

Đất hoang hóa, khí hậu biến đổi, lũ lụt là hậu quả của việc phá rừng. Chưa kể cảnh trí thiên nhiên vĩnh viễn mất đi…

Nạn chặt phá rừng đầu nguồn sông Amazon

Đến trồng rừng để khai thác

Ở các nước phát triển thuộc Châu Âu và Bắc Mỹ, công tác đánh giá tác động đến môi trường của việc sử dụng nguyên liệu gỗ được thực hiện thường xuyên và nghiêm ngặt.

Người ta đã chứng minh được rằng quá trình chế biến từ gỗ nguyên liệu đến những sản phẩm hữu dụng cần ít năng lượng hơn hầu hết các loại vật liệu khác. Thậm chí nhiệt trong khâu sấy gỗ cũng được sinh ra từ dăm hoặc gỗ vụn…

Rừng trồng ở các nước này cũng được phát triển với tốc độ rất nhanh. Chỉ trong giai đoạn 1953 – 2007, khối lượng gỗ có trong các rừng ở Mỹ đã tăng gấp đôi: từ 5 tỷ m3 lên đến 11,4 tỷ m3. Lượng gỗ thu hoạch lại nhỏ hơn nhiều so với lượng gỗ được trồng.

Châu Âu cũng lên chương trình trồng mới 3 tỷ cây xanh từ nay cho tới năm 2030. 

Sau thu hoạch họ cũng tái tạo lại rừng dựa trên nghiên cứu sự tái sinh của tự nhiên một cách khoa học. Các khu rừng cũng giúp giảm thiểu khí CO2, các loại gỗ rừng trồng có chất lượng tốt và đa dạng chủng loại, phù hợp với nhiều ứng dụng khác nhau.

Ỏ những nước phát triển, người ta đã sử dụng nguồn gỗ rừng trồng từ rất lâu. Phạm vi sử dụng gỗ cũng rất đa dạng do trình độ công nghệ xử lý cao.

Người ta dùng gỗ để chế tạo từ những vật dụng trong nhà như bàn, ghế… đến xây dựng nhà ở, công trình công cộng. Thậm chí cả các công trình giao thông như cầu nhịp lớn cũng được làm bằng gỗ.

Gỗ được sử dụng để chế tạo các kết cấu chịu lực trong công trình hiện đại

 

TỪ GỖ NỘI ĐỊA ĐẾN GỖ NHẬP KHẨU

Người Việt Nam “yêu” gỗ đến mức thường dùng cụm từ “đồ gỗ” để chỉ vật dụng nội thất. Nhưng cái sự “yêu” này cũng rất tai hại, họ chỉ thích những loại gỗ quý từ rừng tự nhiên.

Nhiều người chủ nhà rất tự hào khi khoe những cánh cửa lớn hoặc những bộ phản, mặt bàn được làm chỉ từ một phiến gỗ quý duy nhất. Những loại gỗ như gõ, giáng hương, cẩm lai, lim, trắc… theo đó bị khai thác đến mức cạn kiệt.

Gần đây tâm lý người tiêu dùng Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng tích cực hơn. Họ chấp nhận những loại gỗ bị đánh giá thấp trước đây như gỗ cao su và làm quen dần với các loại gỗ nhập khẩu như sồi, óc chó, xoan đào, tần bì…

Đa số vật dụng nội thất trên thị trường nội địa đã được chế tạo từ nguồn gỗ nhập khẩu kết hợp với Ván ép, Veneer… Việt Nam hiện là nước xuất khẩu đồ gỗ có hạng trên thế giới với toàn bộ sản phẩm này đều được chế tạo từ nguồn gỗ nhập có giấy chứng nhận xuất xứ hợp pháp.

Ván ép được sử dụng để trang trí nội thất 

XÂY DỰNG NHÀ Ở

Ở Việt Nam hiện nay người ta chủ yếu dùng gỗ cho các vật dụng nội thất, trang trí tường vách, lát sàn và hầu như không dùng gỗ cho việc xây dựng nhà vì vẫn có tâm lý xem đây là vật liệu kém bền chắc hơn so với gạch đá, bê tông.

Có một số ít nhà bằng gỗ, nhưng được xếp vào loại “chơi” vì sử dụng gỗ rất quý và đắt tiền.

Gỗ được sử dụng làm kết cấu chị lực nhà cao tầng ở Mỹ

Trong khi đó, các nước phát triển như Mỹ, Úc, Âu châu người ta vẫn thường xây dựng nhà bằng các loại gỗ khai thác công nghiệp. Ngoại trừ móng, từ khung sườn chịu lực, sàn, vách đến mái đều bằng gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Nhiều công trình có mái phủ lớn như các nhà thi đấu thể thao cũng sử dụng gỗ làm kết cấu chịu lực từ hơn nửa thế kỷ trước. Gần đây người ta còn bắt đầu có ý định xây nhà cao tầng với kết cấu gỗ với lý do đây là vật liệu rất thân thiện với môi trường.

GỖ CỨNG VÀ GỖ MỀM

Hiện nay người ta phân loại gỗ thành 2 nhóm: gỗ cứng (hardwood) và gỗ mềm (softwood). Sự phân loại này chủ yếu dựa trên một số đặc điểm sinh học thay vì là độ cứng của gỗ.

Khái niệm mềm hay cứng không thể được hiểu theo nghĩa đen trong tiếng Việt vì có loại gỗ mềm thực ra cứng hơn cả gỗ cứng.

Gỗ mềm:

Gỗ mềm thường là gỗ từ các cây hạn trần, lá kim như: Thông, Tùng,…nhìn chung chúng là các cây thường xanh, không rụng lá vào mùa thu và hoạt động vào mùa đông.

Gỗ mềm thường được sử dụng để xây dựng nhà cửa, thuyền, cầu thang,… 

Gỗ Cứng

Gỗ cứng là gỗ từ các loại cây hạt kín, lá rộng  như:  Sồi, Óc chó, Tần bì….Chúng thường mọc hoa và quả, rụng lá vào mùa thu và trải qua thời kỳ ngủ đông vào mùa đông.

Gỗ cứng được dùng làm đồ nội thất như bàn, ghế, tủ, giường… Hiện Việt Nam là nước nhập khẩu gỗ cứng với khối lượng rất lớn từ Hoa Kỳ.

Cây rừng trồng ở Việt Nam chủ yếu là các loại cây gỗ cứng: Keo, Bạch Đàn,…phần lớn trong số chúng được khai thác để sản xuất các loại Ván Ép xuất khẩu.

Ván ép phủ phim xuất khẩu Việt Nam được khách hàng quốc tế ưa chuộng hơn hẳn ván ép phủ phim làm từ gỗ mềm xuất xứ từ Trung Quốc bởi khả năng chịu lực cao.